Nghệ sĩ nhân dân Việt Nam Nghệ_sĩ_Nhân_dân

Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân của Việt Nam được trao tặng lần đầu vào năm 1984, cho đến nay đã diễn ra 9 đợt trao tặng (1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015 và 2019). Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân được trao tặng cùng một lúc với danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (tương đương với danh hiệu Nghệ sĩ công huân của Liên Xô). Cho đến năm 2012, thì đã có 266 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu cao quý này.

Khác với danh hiệu của Liên Xô cũ, danh hiệu này được không được trao tặng cho các họa sĩ, điêu khắc gia, nhiếp ảnh gia... nhưng vẫn được trao tặng cho các họa sĩ thiết kế, phục trang, hóa trang,... có vai trò trong các chương trình nghệ thuật. Ngoài các yếu tố về cống hiến, giải thưởng,... thì thời gian cần thiết để xét tặng với Nghệ sĩ nhân dân là 20 năm (với diễn viên xiếc, múa là 15 năm), Nghệ sĩ Ưu tú là 15 năm (diễn viên xiếc, múa là 10 năm). Đa phần những nghệ sĩ được trao tặng là thuộc các cơ quan do nhà nước quản lý, nhưng vẫn có những nghệ sĩ tự do được trao tặng. Ngoài các nghệ sĩ được trao đợt đầu và một số trường hợp ngoại lệ thì thông thường trước khi trở thành Nghệ sĩ nhân dân phải được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Người trẻ nhất được trao tặng danh hiệu này là nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn (26 tuổi) vào đợt 1 (1984). Nhiều nghệ sĩ nhân dân đã được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh (như Nguyễn Hồng Sến, Thái Ly, Tào Mạt...) và giải thưởng Nhà nước.